Thông tư số 06/2017/TT-BKHCN – Định mức kinh tế kỹ thuật hoạt động kiểm định hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc nước tự động, liên tục

Ðịnh mức kinh tế kỹ thuật hoạt động kiểm định hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc nước tự động, liên tục
Ngày 25/5/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 06/2017/TT-BKHCN ban hành định mức kinh tế kỹ thuật hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm nước tự động, liên tục. Định mức quy định mức hao phí cầ​n thiết về lao động công nghệ, thiết bị, dụng cụ và vật liệu để hoàn thành các bước công việc theo quy trình kiểm định, hiệu chuẩn tại các văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN), phục vụ xây dựng dự toán và đơn giá cho hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn theo phương thức Nhà nước đặt hàng.
Hiệu chuẩn bên trong Trạm quan trắc nước tự động

   Hiện nay, ở nước ta, hoạt động quan trắc môi trường (QTMT) phát triển và đã hình thành các mạng lưới QTMT ở cả cấp quốc gia, bộ/ngành và địa phương. Trong đó, mạng lưới các trạm QTMT nước tự động, liên tục ngày càng được quan tâm và đầu tư. Theo thống kê, có khoảng 90 trạm quan trắc nước mặt cả cấp Trung ương và địa phương, trên 300 trạm quan trắc nước thải tại các nhà máy, khu công nghiệp. Ngoài ra, theo quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT, đến năm 2020 sẽ được tăng thêm 58 trạm quan trắc nước mặt. Các trạm quan trắc nước tự động thường đo các thông số cơ bản được quy định trong các Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) như pH; độ dẫn điện; độ đục; tổng chất rắn hòa tan; tổng chất rắn lơ lửng; ôxy hòa tan; nhu cầu ôxy hóa học và một số phương tiện đo đặc thù như tổng nitơ; tổng phốtpho; thủy ngân; dầu mỡ… tùy theo tính chất các loại nước cần kiểm soát khác nhau. Các trạm quan trắc thường xuyên cung cấp chuỗi số liệu tức thời và liên tục làm cơ sở cho việc phát hiện, cảnh báo sớm các vấn đề về môi trường như đánh giá hiện trạng, giám sát, xu thế và diễn biến chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý, BVMT và hoạch định chính sách.

   Theo Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, các phương tiện đo pH, độ đục, độ dẫn điện, tổng chất rắn lơ lửng, ôxy hòa tan của trạm quan trắc nước tự động, liên tục phải thực hiện kiểm định. Việc kiểm định các phương tiện đo này được thực hiện theo các văn bản ĐLVN như: Quy trình kiểm định – Máy đo pH (ĐLVN 31:2017); Quy trình kiểm định – Máy đo tổng chất rắn hòa tan (ĐLVN 80:2017); Quy trình kiểm định – Phương tiện đo độ dẫn điện (ĐLVN 274:2014); Quy trình kiểm định – Phương tiện đo độ đục (ĐLVN 275:2014); Quy trình kiểm định – Phương tiện đo ôxy hòa tan (ĐLVN 276:2014). Ngoài ra, các phương tiện đo cần được hiệu chuẩn định kỳ để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đo lường trong quá trình vận hành trạm quan trắc tự động, liên tục.

   Trong những năm qua, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đối với các phương tiện đo (pH, tổng chất rắn hòa tan, độ dẫn điện, độ đục, ôxy hòa tan) của trạm quan trắc nước tự động, liên tục thực hiện theo quy trình kiểm định đã được ban hành. Tuy nhiên, do chưa có định mức sử dụng lao động, vật tư, thiết bị, nên khó khăn trong quá trình định giá khi sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

   Thực hiện lộ trình xây dựng, hoàn thiện các các định mức kinh tế kỹ thuật cho các hoạt động thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, Bộ TN&MT xây dựng nội dung Thông tư Định mức kinh thế kỹ thuật phương tiện đo trong kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo (pH, tổng chất rắn hòa tan, độ dẫn điện, độ đục, ôxy hòa tan) cho trạm quan trắc nước tự động, liên tục. Sau khi hoàn thiện nội dung, theo quy định của Luật Đo lường, Dự thảo Thông tư đã được chuyển Bộ KH&CN thẩm định, ban hành và phối hợp tổ chức thực hiện.

   Thông tư quy định định mức kinh tế – kỹ thuật mức hao phí cần thiết về lao động công nghệ, thiết bị, dụng cụ và vật liệu để hoàn thành một bước công việc hoặc toàn bộ công việc theo quy trình kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc nước tự động, liên tục, phục vụ xây dựng dự toán và đơn giá cho hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn có sử dụng kinh phí theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

   Đối tượng áp dụng của Thông tư là các Trung tâm QTMT, Trạm QTMT ở Trung ương và địa phương; Các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn đã đăng ký và được chỉ định bởi cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền, các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc nước tự động, liên tục.

Trạm quan trắc nước tự động tại Quảng Ninh

   Với 3 chương và 17 điều, nội dung định mức kinh tế – kỹ thuật bao gồm các thành phần: Lao động công nghệ ; thiết bị; dụng cụ; vật liệu. Đặc biệt, Thông tư nêu rõ, nguyên tắc xây dựng định mức tuân thủ theo quy trình kiểm định phương tiện đo (pH; tổng chất rắn hòa tan; độ dẫn điện; độ đục và nồng độ ôxy hòa tan) tại các văn bản kỹ thuật ĐLVN đã được ban hành. Trên cơ sở đó xây dựng định mức,đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức, đảm bảo tính tiên tiến, thống nhất và tính kế thừa. Định mức được xây dựng đảm bảo tính ổn định, được thực hiện trong thời gian dài. Khi có sự thay đổi về công nghệ hoặc các yếu tố khác làm cho định mức không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì các tổ chức, cá nhân áp dụng định mức có trách nhiệm báo cáo Bộ để xem xét điều chỉnh hoặc xây dựng mới cho phù hợp. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017

Nguồn: vea.gov.vn

Nội dung thông tư số 06/2017/TT-BKHCN: Xem tại đây

Leave a Reply

02873000375